Nếu bạn muốn một loại trà không có caffein, vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe thì trà hoa cúc là sự lựa chọn số 1. Trà hoa cúc có hương thơm nhẹ, vị dễ uống. Bên cạnh đó trà còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Muốn biết chi tiết hơn về loại trà này thì hãy đọc bài viết dưới đây.
Trà hoa cúc có gì đặc biệt?
Trà hoa cúc tên tiếng anh là Chanomile tea, là loại trà quen thuộc và được nhiều người yêu thích. Trà có hương thơm thoang thoảng của hoa, có màu trong suốt hoặc vàng nhạt rất dễ uống. Thưởng thức loại trà này không chỉ thơm ngon mà còn thư giãn và đẩy lùi bệnh tật.
Theo đông y hoa cúc có vị ngọt, cay. Công dụng dưỡng tâm, an thần, giải độc, thanh nhiệt cơ thể.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong trà có chứa các nhiều chất dinh dưỡng như acid folic, thiamin, vitamin A, riboflavin, natri, kali, magie, kẽm và không chứa chất béo, chất đạm, cholesterol.
Các loại trà hoa cúc bạn cần biết
- Trà hoa cúc trắng: Cánh hoa màu trắng, nụ màu trắng, kích thước 2 – 5 cm. Tốt cho phần trên cơ thể, giúp chữa cảm cúm, mất ngủ và làm đẹp da.
- Trà hoa cúc vàng: Cánh hoa và nụ hoa vàng, kích thước 1 – 2 cm. Tốt cho phần dưới cơ thể, giúp thanh nhiệt giải độc, chữa mụn ở lưng và tay.
- Trà hoa cúc La Mã: Thơm hơn các loại hoa cúc thông thường, là một loại hoa phổ biến ở Châu Âu, được một nhà thực vật người Anh khám phá ra ở Đấu Trường La Mã. Hoa có cánh nhỏ màu trắng, nụ hoa màu vàng, kích thước rất nhỏ 0,5 – 1 cm. Trà cúc La Mã tốt cho tiêu hóa, thần kinh, hô hấp và da.
Lưu ý khi mua trà hoa cúc
Mua hoa cúc về làm trà có thể mua hoa tươi hoặc hoa khô. Khi mua hoa cần lưu ý:
- Chọn hoa có màu vàng đặc trưng, vẫn giữ nguyên hình dạng, cánh hoa không bầm dập. Mùi hương dịu nhẹ.
- Không mua hoa có mùi quá nồng, mùi ẩm mốc.
- Màu sắc thâm xỉn là hoa không đạt chất lượng.
- Trường hợp không mua trực tiếp mà mua qua mạng thì phải chọn các trang bán hàng uy tín, đảm bảo nguồn gốc.
- Vì trà được sử dụng uống trực tiếp hằng ngày, nên phải đảm bảo hàng chất lượng để tránh nguy cơ bị ngộ độc.
Cách làm trà hoa cúc khô tại nhà dễ dàng
Chọn hoa
Là công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất để làm trà. Có thể chọn hoa cúc vàng hoặc hoa cúc trắng. Chọn những bông hoa tươi và sạch, đặc biệt hoa vừa nở hoặc đang hé nụ để chế biến. Nên mua hoa ở những cửa hàng uy tín, đảm bảo nguồn gốc, không có thuốc trừ sâu để tránh nguy cơ bị ngộ độc.
Sơ chế
Sau khi chọn hoa thì ta tiến hành sơ chế. Cắt cuống hoa và chỉ giữ lại bông để làm trà. Kế đến ngâm hoa trong nước để rửa sạch bụi bẩn, bùn đất. Chỉ nên ngâm và rửa nhẹ nhàng, không nên rửa kĩ tránh làm dập hoa.
Sấy khô
Có thể làm khô khô hoa bằng 2 cách: phơi khô hoặc sấy khô.
Phơi khô dưới ánh nắng: Sử dụng các khay lưới sau đó xếp hoa lên phơi dưới ánh nắng mặt trời. Xếp hoa sao cho vừa khít thành một lớp và không nên xếp quá dày vì hoa sẽ lâu khô, khô không đều. Phơi 7 – 10 ngày là hoa sẽ khô. Cách phơi khô này rất tiết kiệm và đơn giản. Nhưng có một số nhược điểm đó là phơi lâu khô, hoa bị bám bụi bẩn và côn trùng xâm nhập trong quá trình phơi, gặp thời tiết xấu là có thể bị hỏng hoa. Hoa phơi xong bị phai màu sắc, màu không được đẹp.
Phơi khô trong bóng râm: Đây cũng là một phương pháp hiệu quả để làm trà hoa cúc. Ta sẽ dùng khay trải đều hoa rồi phơi ở nơi thoáng khí, để khô tự nhiên trong vòng 10 – 20 ngày. Hoa phơi xong giữ được hình dạng và màu sắc nhưng thời gian phơi lâu, dễ bị côn trùng xâm nhập.
Sấy khô: Hoa được cho vào lò điện sấy khô với nhiệt độ 40 độ C trong khoảng 1 ngày. Đây là phương pháp làm hoa cúc khô tốt nhất, có thể giữ được mùi hương vốn có của hoa cũng như hình dáng, màu sắc.
Hoặc nếu có điều kiện thì có thể sấy khô bằng máy sấy chuyên dùng để sấy rau củ, hoa quả khô… Giá đắt nhưng sản phẩm sẽ đạt chất lượng như ý muốn.
Bảo quản
Để có thể sử dụng được lâu, nên bảo quản trong lọ thủy tinh nắp kín, có thêm gói chống ẩm thì càng tốt. Hoặc có thể sử dụng hộp nhựa, túi zip nilon để bảo quản.
Xem thêm: Điểm danh các loại trà uống giúp đẹp da